Sự ra đời của nam châm được diễn giải ra sao?

Không phủ nhận rằng nam châm là một phát hiện mang tính lịch sử của loài người. Các nền văn minh cổ đại đã tận dụng đáng kể từ tính của nam châm vào đời sống. Tuy vậy, nguồn gốc về sự ra đời của nam châm lại rất khác biệt theo như sử thi chép lại. Và tất nhiên một vài trong số đó cũng thấm đượm màu sắc thần thoại.

Hi Lạp cổ cho rằng nam châm được phát hiện bởi một nông dân

Điều này nghe có vẻ khá mơ hồ và không hợp lý cho lắm nhưng nó lại là sự thật. Theo một truyền thuyết Hi Lạp, nam châm được phát hiện bởi một anh chăn cừu tên Magnes. Anh chàng này sống tại vùng Magnesia, Hi Lạp vào thời cổ đại. Có lẽ không ít bạn đọc sẽ nhận ra mối tương quan về tên gọi, địa danh với tên gọi nam châm hiện nay trong tiếng Anh.

Trong một lần đi chăn cừu, Magnes đã phát hiện điều bất thường. Miếng sắt bọc gậy và đinh trong chiếc dép của anh cứ bị hút bởi một mẩu đá kỳ lạ. Không khỏi tò mò, Magnes nhặt nó lên xem xét và thấy rằng mọi vật kim loại đều sẽ bị hút bởi vật này. Kể từ đó, người Hi Lạp đặt tên cho loại đá này là Magnetite. Tên gọi này về sau được chuyển ngữ sang tiếng Latin và được sử dụng phổ biến hiện nay. Đó chính là danh từ “magnet” trong tiếng Anh và dạng tính từ của nó là “magnetic”.

Rome cổ đại cũng đã từng “thần thoại hóa” từ tính của nam châm

Rome hay còn hiểu là La Mã cổ đại, là một đế quốc hùng mạnh trước và sau Công nguyên. Thế nhưng, họ vẫn duy trì niềm tin vào các vị thần và từ đó đã dẫn đến những ngộ nhận khá buồn cười. Tương truyền, nam châm đã được phát hiện bởi Pliny Trưởng lão, một tác gia và là nhà tự nhiên học nổi tiếng. Ông chính là cố vấn khoa học đã biên soạn những tài liệu khoa học dưới thẩm quyền của Hoàng đế Vespasian.

Các phế tích cổ đại của đế quốc La Mã vẫn còn đứng vững cho đến tận ngày nay

Pliny đã có những ghi chép về một ngọn đồi được làm từ loại đá hút sắt rất mạnh. Trớ trêu thay, do khoa học vào thời kỳ đó vẫn còn chịu ảnh hưởng bởi thần linh nên Pliny Trưởng lão đã quy rằng loại đá này có “phép thuật”. Ông đã “thần thánh hóa” lực từ của nam châm khi cho rằng những con tàu bị mất tích ngoài khơi là do bị hút vào bởi những hòn đảo có loại đá đặc biệt ấy.

Tiếc thay, Pliny Trưởng lão được cho là đã qua đời tại Pompeii khi thành bang này bị hủy diệt bởi núi lửa Vesuvius. Ông đã không còn sống cho đến ngày nhận ra rằng nam châm chả có tí “ma thuật” nào cả.

Trung Hoa – cái nôi của ứng dụng nam châm trong hàng hải

Người Trung Quốc cổ đại đã vận dụng từ tính của nam châm dưới nhiều dạng. Tiêu biểu nhất trong số đó là xe chỉ nam của Tổ Xung Chi và la bàn. Điều bất ngờ là người Viking cũng đã chế tạo ra la bàn đi biển nhưng lại muộn hơn so với Trung Hoa. Vào thời kỳ trung đại, Marco Polo đã mang la bàn thủy thủ của Trung Quốc về Ý. Nhà thám hiểm này đã giúp châu Âu phát triển loại la bàn riêng, góp phần vào quá trình “thuộc địa hóa” của thực dân Anh, Pháp, Tây Ban Nha sau này.

Loại nam châm mà người Trung Quốc sử dụng vào thời kỳ này là loại nam châm nước. Để sử dụng được cần phải đặt nó vào một bát chứa nước.

Anh quốc – Phát hiện khá muộn màng nhưng đầy đột phá

Thực ra, người Anh đã tạo ra được một nam châm từ kim loại. Nhà khoa học William Gilbert đã tìm ra được cách sản xuất nam châm từ kim loại có từ tính. Ngoài ra, ông còn khám phá ra được Trái Đất là một nam châm tự nhiên khổng lồ và từ tính sẽ mất dần tác dụng khi bị nung nóng quá lâu.

Đây chính là đóng góp của người Anh về sự ra đời của nam châm trong thời kỳ trung đại ở châu Âu.

Vương quốc Pháp – Vừa tham chiến, vừa báo cáo khoa học

Vào những năm 1200, học giả người Pháp Petrus Peregrinus đã viết một trong những bài viết đầu tiên về tính chất khoa học của nam châm. Báo cáo của ông bao gồm một bản vẽ và thảo luận về kim la bàn xoay tự do – một thành phần quan trọng của chiếc la bàn khô đầu tiên. Truyền thuyết kể rằng Peregrinus đã tiến hành ghi chép khi tham gia vào cuộc thập tự chinh do Giáo hoàng phê chuẩn vào thành phố Lucera của Ý.

Người Viking ở Bắc Âu cũng đã sáng tạo ra loại la bàn của riêng họ. Thế nhưng, nguyên lý cấu tạo và nguyên lý hoạt động lại khiến la bàn này trông như “đạo nhái” từ phiên bản của Trung Hoa.

Như bạn có thể thấy, nam châm làm cho thế giới quay tròn. Những cách diễn giải về khám phá và sử dụng nam châm dường như đến từ hầu hết mọi nơi trên thế giới. Không đâu giống đâu. Do đó, sự phát hiện ra nam châm vô hình trung cũng là bản sắc của các dân tộc vậy.

Tin tức khác: